Ở kỳ trước, ECOCLEAN đã chia sẻ đến bạn đọc một số tổng quan về ngành công nghiệp dệt. Bên cạnh sự phát triển vượt bậc, nhiều xí nghiệp dệt may được thành lập với những công nghệ tiên tiến trong sản xuất và xử lý nước thải công nghiệp đạt hiệu quả cao hơn. Song, những tác động mà ngành dệt nhuộm mang đến cho môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm. Cụ thể là nguy cơ gây ô nhiễm không khí.
Và trong kỳ này, ECOCLEAN mời bạn đọc tiếp tục theo dõi những tác động của ngành công nghiệp dệt nhuộm đến môi trường nước.
B. Tác động đến môi trường nước
Tại Việt Nam, ngành dệt may là một trong số những ngành công nghiệp trọng điểm giữ vị trí then chốt mang tính chiến lược trong sự nghiệp phát triển của nền kinh tế quốc dân. Thế nhưng, bài toán nan giải nhất cho ngành chính là vấn đề xử lý nước thải dệt nhuộm sao cho hiệu quả triệt để nhất.
Cụ thể, các công nghệ dệt nhuộm sử dụng một lượng nước khá lớn để phục vụ cho các công đoạn sản xuất, đồng thời lượng nước thải sau khi sử dụng được xả ra bình quân từ 12 – 300 m3/tấn vải. Trong đó nguồn ô nhiễm chính là nước thải ở công đoạn dệt nhuộm và nấu tẩy.
Một số nguồn phát sinh nước thải
– Nước thải sinh hoạt thải ra từ khu vực văn phòng, bếp ăn tập thể, hay từ các khu nhà vệ sinh,… Đặc điểm của nước thải tại các khu vực này thường chứa nhiều thành phần cặn bã (TSS), các chất hữu cơ (BOD/COD), chất dinh dưỡng (N,P) và hàng loạt vi sinh gây bệnh.
– Nước thải phát sinh trong quá trình vắt nước, sấy, nhuộm,… rơi vào khoảng 500m3/ngày. Lượng nước thải có hàm lượng chất hữu cơ cao, nồng độ COD dao động khá lớn. Ngoài ra, độ màu của nước thải rất cao đặc biệt ở các nhà máy vừa và nhỏ dao động từ 1.500 – 3.700 Pt-Co.
– Nước mưa chảy tràn cuốn theo đất cát và các tạp chất rơi vãi trên mặt đất xuống nguồn nước, bên cạnh đó còn có cả phân và các loại chất thải khác.
Một số đánh giá về các nguồn gây ô nhiễm
1. Nước thải sinh hoạt
Cho ví dụ với số lượng công nhân viên hoạt động tại nhà máy là 5.460 người, tiêu chuẩn dùng nước là 120 lít/người/ngày, lượng nước thải sinh hoạt thải ra vào khoảng 524m3/ngày đêm. Vậy, theo hệ số ô nhiễm của Tổ chức y tế thế giới (WHO) để tính ra tải lượng ô nhiễm như trong các bảng sau:
STT | Chất ô nhiễm | Hệ số (g/người/ngày) | Khối lượng (Kg/ngày) |
1 | BOD5 | 45 – 54 | 245,7 – 294,84 |
2 | COD | 72 – 102 | 393,12 – 556,92 |
3 | Chất rắn lơ lửng (SS) | 70 -145 | 382,2 – 791,7 |
4 | Dầu mỡ phi khoáng | 10 – 30 | 54,6 – 163,8 |
5 | Tổng Nitơ (N) | 6 – 12 | 32,76 – 65,52 |
6 | Amoni (N-NH4) | 2,4 – 4,8 | 13,104 – 26,208 |
7 | Tổng Phospho | 0,8 – 4,0 | 4,368 – 21,84 |
8 | Tổng Coliform MPN/100ml) | 106 – 109 | 546.107 – 546.1010 |
Tải lượng các chất ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt. Nguồn: WHO, 1993.
STT | Chất ô nhiễm | Nồng độ (mg/l) | TCVN 5945 : 2005, cột A |
1 | BOD5 | 467 – 562 | 30 |
2 | COD | 750 -1063 | 50 |
3 | SS | 729 -1511 | 50 |
4 | Dầu mỡ | 104 – 312,6 | 10 |
5 | Tổng N | 62,5 -125 | 15 |
6 | Amonia | 25 – 50 | 5 |
7 | Tổng Phospho | 8 – 40 | 4 |
8 | Tổng Coliform (MPN/100ml) | 1,042.104 – 1,042.107 | 3000 |
Nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt. Nguồn: Internet.
So sánh nồng độ các chất ô nhiễm chính trong nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý (TCVN 5945:2005, cột A) cho thấy cần thiết phải xử lý nước thải sau khi qua hầm tự hoại.
2. Nước thải sản xuất
Các chuyên gia đều biết rằng cần sử dụng vi sinh xử lý nước thải dệt nhuộm trong hệ thống để xử lý các thành phần ô nhiễm của nước thải sản xuất dệt nhuộm. Mức độ ô nhiễm của nước thải công nghiệp tẩy nhuộm nói chung phụ thuộc rất lớn vào loại, lượng hóa chất sử dụng, kết cấu mặt hàng sản xuất (tẩy trắng, nhuộm, in hoa), tỷ lệ sử dụng sợi tổng hợp, loại hình công nghệ sản xuất (gián đoạn, liên tục hay bán liên tục), đặc tính máy móc sử dụng. Các tác nhân bao gồm:
– Nước thải chứa tinh bột xả từ khâu hồ sợi làm giảm nồng độ oxy hòa tan trong nước, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của các loài động thực vật thủy sinh. Ngoài ra, nước thải chứa tinh bột còn dễ xảy ra quá trình phân hủy yếm khí, phát sinh ra CH4, CO2, NH3, H2S gây mùi hôi thối ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và gây ô nhiễm nguồn nước tự nhiên.
– Các chất H2SO4, NaOCl, Na2SO4, NaCl, Na2S, Na2S2O4, chất tẩy rửa không ion, các hợp chất vòng thơm, tạo chất dầu,… xả ra từ khâu giặt sau nhuộm. Các chất formaldehyde, K2Cr2O7, tạp chất chứa kim loại nặng, NaCl, halogen hữu cơ, Na2SO4, thuốc nhuộm, Na2S2O4, hơi H2SO4, CH3COOH thải ra từ khâu nấu. Dầu hỏa, các chất hồ sợi dọc, chất nhũ hóa, chất làm mềm, chất tạo phức, NO2, thải ra từ khâu hoàn tất. Tất cả các chất ô nhiễm này gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phân hủy của các vi sinh vật làm sạch nước. Ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của thực vật thủy sinh gây sự thiếu hụt oxy hòa tan trong nước. Gốc hữu cơ kết hợp với các ion kim loại tạo thành các phức chất bền, khó phân hủy, gây tác hại nghiệm trọng đến môi trường. Các ion kim loại còn tham gia vào chuỗi thức ăn, từ đó dây ảnh hưởng cho sức khỏe con người. Đặc biệt nguy hại hơn nữa là sự có mặt của chất Clo hoạt tính trong nước thải sẽ kết hợp với các chất hữu cơ vòng thơm tạo thành những chất gây tiền ung thư. Xơ sợi và các tạp chất thiên nhiên có trong xơ sợi bị loại bỏ trong các công đoạn xử lý nước, gây tắc nghẽn dòng chảy.
– Ngoài ra, độ màu của nước thải rất cao đặc biệt ở các nhà máy vừa và nhỏ dao động từ 1.500 đến 3.700 Pt-Co, chứng tỏ lượng thuốc nhuộm được sử dụng cho các cơ sở này hoặc còn dư khá nhiều sau quá trình. Trong khi đó, tại các nhà máy lớn độ màu chỉ thay đổi trong khoảng 140 đến 300 Pt-Co, chứng tỏ thuốc nhuộm đã được sử dụng khá triệt để.
Như vậy, có thể thấy rằng hàm lượng chất ô nhiễm trong nước thải sản xuất của nhà máy là rất cao, cao hơn rất nhiều lần so với tiêu chuẩn ch phép. Chính vì thế, các nhà máy phải tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung bằng công nghệ xử lý hoá lý hoặc công nghệ sinh học trong xử lý nước thải dệt nhuộm và nước thải sau khi xử lý sẽ được thải ra hệ thống cống thoát nước dẫn ra môi trường bên ngoài.
3. Nước mưa chảy tràn
Vào mùa mưa, nước mưa chảy tràn sẽ cuốn theo đất cát, rác, dầu mỡ và các tạp chất rơi vãi trên mặt đất xuống nguồn nước. Nếu lượng nước mưa này không được quản lý tốt cũng sẽ gây tác động tiêu cực đến nguồn nước bề mặt, nước ngầm và đời sống thủy sinh nước mặt trong khu vực dự án. Thông thường thì nước mưa khá sạch, hàm lượng các chất trong nước mưa được ước tính như sau:
– Tổng Nitơ : 0,5 – 1,5 mg/l
– Phospho : 0,004 – 0,03 mg/l
– Nhu cầu oxi hoá học (COD) : 10-20 mg/l
– Tổng chất rắn lơ lửng (TSS) : 10-20 mg/l
So với các nguồn thải khác, nước mưa chảy tràn là khá sạch hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp của dự án thì nước mưa có thể bị ô nhiễm bởi chất thải từ hoạt động sản xuất, do vậy dự án cần phải có một số biện pháp để thu gom, tách nước mưa ra riêng, đồng thời cho qua hệ thống lắng cát và chất lơ lửng trước khi được tận dụng lại để tưới cây hoặc làm vệ sinh khu vực sản xuất.
Những tác hại của các tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước
– Nhiệt độ: Ảnh hưởng đến chất lượng nước, oxy hòa tan trong nước (DO). Ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến tốc độ phân hủy các hợp chất hữu cơ trong nước.
– Các chất hữu cơ: Giảm nồng độ oxy hòa tan trong nước. Ảnh hưởng đến tài nguyên thủy sinh.
– Chất rắn lơ lửng: Ảnh hưởng đến chất lượng nước, tài nguyên thủy sinh.
– Các chất dinh dưỡng (N,P): Gây ra hiện tượng phú dưỡng, ảnh hưởng đến chất lượng nước, sự sống thủy sinh.
– Các vi khuẩn: Nước có lẫn vi khuẩn gây bệnh là nguyên nhân của các idchj bệnh thương hàn, phó thương hàn, lỵ, tả,… Coliform là nhóm vi khuẩn gây bệnh đường ruột, tiêu chảy,…
– Độ màu: Ảnh hưởng đến vẻ mỹ quan của nước thải, cũng như khả năng xử lý nước thải. Ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy sản sống dưới nước.
Nguồn: Internet – EcoClean t/h